Doanh nghiệp lo 'lộ bí mật' nếu giảm tỷ lệ cổ phần có quyền tiếp cận thông tin

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) có đưa ra đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần có quyền tiếp cận thông tin nội bộ từ 10% xuống 1% đang gây nhiều tranh luận từ DN và chuyên gia.

1% cổ phần của một DN niêm yết là rất lớn, không ai chịu mạo hiểm quyền lợi của mình để gây khó dễ DN. Ảnh: Internet

Đối thủ cạnh tranh gây khó dễ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN đề xuất sửa đổi khoản 2, điều 114 Luật Danh nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền như: yêu cầu xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát; yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường; yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết… Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bãi bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng.
Theo ông Phan Lê Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration), việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới.
Tuy nhiên, vị này lại bày tỏ, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho DN.
Theo ông Hoàng, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn.
Vì thế, đại diện Pacific Corpration đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật DN hiện hành.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Việt, Tổng giám đốc Intracom bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh.
“Trong quản trị DN, việc quản lý chuyên nghiệp và bảo vệ bí mật kinh doanh rất quan trọng. Nếu không suy nghĩ cẩn thận thì đối thủ cạnh tranh sẽ mua 1% và gây khó dễ cho DN”, ông Việt nêu rõ.
Không ai mạo hiểm để quấy phá DN
Nhưng dưới góc nhìn chuyên gia, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quản trị công ty là một trong những nội dung cần đặc biệt chú ý trong lần sửa đổi luật này. Trong đó, bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy vốn động đầu tư.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, việc sửa đổi nêu trên sẽ giúp mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình.
“Ở Nhật Bản, chỉ cần 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin DN. Ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%. Do đó chúng tôi thấy mức 1% là hợp lý. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát với hơn 300 DN trên sàn HoSE, và kết luận rằng 1% cổ phần của một DN niêm yết là rất lớn, không ai chịu mạo hiểm quyền lợi của mình liên quan đến 1% cổ phần để quấy phá DN cả”, ông Hiếu nêu rõ.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho hay, quản trị công ty ở các nước đề rất cao quyền cổ đông. Xu hướng các nước là làm sao để người dân bỏ vốn vào ít vốn nhưng được bảo đảm quyền lợi. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần là bao nhiêu, 1%, 2% hay 3% thì còn phải xem xét kĩ nhưng tỷ lệ 1% là hợp lý, do 1% là một tỷ lệ không hề nhỏ đối với một nhà đầu tư nên bản thân họ phải hành động dựa trên lợi ích của 1% đó
Theo: baomoi.com

Share: