Giao kết hợp đồng thương mại: Thận trọng vấn đề pháp lý

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đang mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu dệt may, da giày và ngành hàng nông sản của Việt Nam. Song, xuất nhập khẩu được đẩy mạnh cũng đồng nghĩa với rủi ro tăng cao.

Giao kết hợp đồng thương mại: Thận trọng vấn đề pháp lý
Ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh – nhận định: Sau khi CPTPP có hiệu lực, chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở nhiều thị trường, từ 8,3 – 11% do thuế suất nhập khẩu về 0%.
Dù đánh giá cao những cơ hội gia tăng xuất khẩu song ông Phạm Thiết Hòa cảnh báo rằng vẫn có những rủi ro không đáng xảy ra trong hoạt động giao thương có thể xảy đến với doanh nghiệp (DN) nếu không cẩn trọng xem xét kỹ hợp đồng với các đối tác mới.
Theo Luật sư Trần Xuân Chi Anh – đại diện Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT, Việt Nam có mối giao thương thường xuyên với một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản… Khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ này càng chặt chẽ hơn, theo đó, tỷ lệ xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng dần và chắc chắn tỷ lệ thuận với sai sót, mâu thuẫn, tranh chấp thương mại.
Là đơn vị trực tiếp giải quyết các tranh chấp thương mại, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) – cho biết, hiện có đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có giải quyết tranh chấp tại VIAC và vấn đề tranh chấp tập trung chủ yếu là mua bán hàng hóa với tỷ lệ chiếm khoảng 41%.
Ông Lê Nết – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên – nêu dẫn chứng về những trường hợp mà công ty này đã từng giải quyết cho các DN Việt Nam như bán hàng đi nước ngoài, hàng đã chuyển đi song đối tác không chịu thanh toán. Hay trường hợp điển hình nhất là một DN Việt nhập khẩu sắt thép từ Nga, khi nhận mới phát hiện thép không đạt chuẩn. DN này đã tức tốc yêu cầu ngân hàng áp dụng biện pháp tạm thời ngưng không thanh toán tín dụng thư cho bên bán hàng. Việc dừng hợp đồng đột ngột đã khiến đối tác thép nước ngoài kiện DN Việt ra tòa và bị buộc phải bồi thường hợp đồng đã ký kết 10 triệu USD trong khi khoản tiền tạm ngưng thanh toán chỉ 1 triệu USD.
Những dẫn chứng kể trên cho thấy khi giao kết hợp đồng đa phần DN chỉ lưu tâm đến các vấn đề về thương mại như: Chất lượng, số lượng, thời gian giao – nhận mà bỏ quên các yếu tố về pháp lý. Nguyên nhân do hầu hết các DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ không có luật sư tư vấn nên phần lớn hợp đồng được soạn thảo chỉ đưa ra các nội dung ký kết, không đưa ra các thông tin về luật áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Đây chính là sơ hở gây bất lợi cho DN khi có phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, điều khoản về trọng tài cũng không rõ ràng dẫn đến việc khi xảy ra tranh chấp không biết khởi kiện ra cơ quan nào và cuộc chiến về thẩm quyền sẽ tốn kém về thời gian, chi phí.

Để tránh thiệt hại, các chuyên gia khuyến cáo, DN phải thận trọng với các điều khoản hợp đồng và phải chú trọng đến việc nhận diện cũng như phân loại rủi ro mà việc ký kết có thể xảy ra để có các biện pháp phòng vệ.

Thống kê của VIAC cho thấy, vấn đề tranh chấp trong thương mại có xu hướng gia tăng qua các năm. Nếu như năm 1993 mới chỉ có 6 vụ tranh chấp, năm 1998 là 18 vụ, năm 2008 có 56 vụ thì đến năm 2018 đã tăng lên 128 vụ.
Share: