THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1197/2005/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐẢO PHÚ QUỐC, TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 85/TB-TW ngày 30 tháng 10 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 36/TTr-BXD tại Tờ trình số 36/TTr-BXDngày 07 tháng 6 năm 2005 về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi quy hoạch: đảo Phú Quốc bao gồm thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 7 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ có diện tích tự nhiệm khoảng 563,247 km2 và xã Hòn Thơm (gồm các đảo phía Nam An Thới).
2. Tính chất: đảo Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái đảo, biển chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ của vùng, cả nước, khu vực và quốc tế; có vị trí quan trọng về mặt an ninh và quốc phòng.
3. Quy mô dân số:
– Dự báo đến năm 2010: dân số đảo Phú Quốc khoảng 110.000 – 120.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng từ 60.000 – 80.000 người; ngoài ra dân số quy đổi từ khách du lịch khoảng 7.000 người (0,5 – 0,6 triệu lượt khách/năm).
– Dự báo đến năm 2020: dân số đảo Phú Quốc là 200.000 – 230.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng từ 160.000 – 180.000 người; ngoài ra dân số quy đổi từ khách du lịch khoảng 30.000 – 40.000 người (2 đến 3 triệu lượt khách/năm).
4. Quy mô đất đai:
a) Quy mô sử dụng đất đai toàn đảo đến năm 2020:
– Đất lâm nghiệp: khoảng 37.000 ha.
Trong đó:
+ Rừng đặc dụng khoảng 31.000 ha.
+ Rừng phòng hộ khoảng 6.000 ha.
– Đất nông nghiệp: khoảng 4.600 ha.
– Đất đô thị: khoảng 2.300 ha.
– Đất khu dân cư nông thôn: khoảng 600 ha.
– Đất chuyên dùng: khoảng 8.520 ha.
Trong đó:
+ Đất xây dựng du lịch: khoảng 3.800 ha.
+ Đất vui chơi giải trí, thể dục thể thao: khoảng 1.020 ha.
+ Đất công nghiệp: khoảng 100 ha.
+ Đất công trình hạ tầng kỹ thuật: khoảng 3.600 ha.
(bao gồm cả đất hồ khoảng 1.500 ha).
– Đất dự trữ phát triển và quốc phòng, an ninh: khoảng 3.304 ha.
Tổng cộng: 56.324 ha.
b) Quy mô đất xây dựng đô thị:
– Dự báo đến năm 2010:
+ Đất xây dựng đô thị khoảng 1.100 – 1.200 ha với chỉ tiêu 120 m2/người, trong đó đất dân dụng 500 ha với chỉ tiêu 75m2/người;
+ Đất xây dựng du lịch khoảng 1.200 – 1.500 ha, có khả năng đón từ 0,5 – 0,6 triệu lượt khách/năm.
– Dự báo đến năm 2020:
+ Đất xây dựng đô thị khoảng 2.300 ha với chỉ tiêu 135 m2/người, trong đó đất dân dụng 1.680 ha với chỉ tiêu 97 m2/người;
+ Đất xây dựng du lịch khoảng 3.800 ha, có khả năng đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách/năm.
5. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan:
a) Hướng phát triển không gian của đảo:
– Hướng Tây: phát triển các khu du lịch gắn với bãi biển, các đô thị, khu đô thị mới và các trung tâm thương mại, dịch vụ.
– Hướng Đông: phát triển các điểm du lịch biển, các khu dân cư nông thôn và cụm công nghiệp.
– Hướng Bắc: vùng bảo tồn sinh thái rừng quốc gia và phát triển 1 số điểm du lịch bãi biển sinh thái chất lượng cao.
– Hướng Nam: phát triển đô thị và cảng.
– Khu quần đảo Nam An Thới: phát triển du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao.
b) Phân khu chức năng:
– Đô thị và khu dân cư:
+ Nâng cấp, cải tạo 2 đô thị hiện có là thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới;
+ Cải tạo các khu dân cư – trung tâm xã, cụm xã hiện hữu tại Hàm Ninh, Cửa Cạn, Gành dầu;
+ Hình thành và phát triển các khu đô thị mới kết hợp phục vụ du lịch tại Suối Lớn và và Đường Bào.
– Các khu vực phát triển du lịch, dịch vụ:
+ Phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí tại khu vực Dương Đông – Dương Tơ và bãi Đất Đỏ – An Thới;
+ Phát triển các khu du lịch biển tại bãi Dương Đông, bãi Sao, bãi Khem, bãi Trường, bãi Đất Đỏ, bãi Bà Kèo – Cửa Lấp, bãi Vòng, bãi Cửa Cạn, bãi Vũng Bầu, bãi Dài, bãi Rạch Tràm, bãi Vẹm, bãi Ông Lang, bãi Thơm và các bãi nhỏ khác…;
+ Phát triển các khu phi thuế quan gắn với công trình sân bay và cảng biển.
– Khu vực bảo tồn, cấm và hạn chế xây dựng:
+ Bảo vệ, duy trì rừng quốc gia, rừng phòng hộ, rừng tái sinh chủ yếu tập trung ở phía Bắc và Nam đảo chiếm 65,7% diện tích đảo, việc khai thác du lịch bằng các hình thức như leo núi, tham quan dã ngoại v.v… phải tuân thủ theo quy định pháp luật về bảo vệ rừng quốc gia;
+ Cấm và hạn chế xây dựng tại khu vực nằm trong vành đai bảo vệ an toàn sân bay, bến cảng và các công trình quân sự.
– Phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống đặc trưng của đảo tại khu vực Dương Đông và Vịnh Đầm có quy mô 100 ha.
– Các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao:
+ Bố trí 04 sân golf có quy mô 920 ha tại khu vực Cửa Cạn có diện tích 150 ha, khu vực Gành Dầu thuộc Bãi Dầu có diện tích 150 ha và khu vực An Thới (từ phái Bắc đường vào bãi Sao tới sông Cái Lớn) có diện tích khoảng 220 ha và khu vực Bãi Vòng có diện tích khoảng 400 ha;
+ Bố trí trường đua, thả diều tại khu vực An Thới và Dương Tơ có quy mô khoảng 100 ha;
+ Bố trí các khu thể thao dưới nước tại Hàm Ninh, khu bờ biển phía Đông và khu Bãi Trường tại Cửa Dương. Tổ chức khu vực lặn tham quan đáy biển tại quần đảo phía Nam An Thới;
– Bảo tồn các khu du lịch văn hoa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng như Đền thờ Nguyễn Trung Trực, nhà lao Cây Dừa, Dinh Cậu, Đình thần Dương Đông, Chùa Sư Môn và nhiều điểm di tích khác.
c) Định hướng phát triển không gian các khu chức năng:
– Định hướng phát triển hệ thống đô thị, khu đô thị mới:
+ Thị trấn Dương Đông là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, công nghiệp và du lịch của huyện Đảo Phú Quốc, đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 35.000 – 40.000 người, quy mô đất đai xây dựng đô thị khoảng 500 – 600 ha và đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 55.000 – 65.000 người, quy mô đất đai khoảng 700 – 800 ha, gồm các phố thương mại, nhà hàng, dịch vụ; các khu nhà ở, công trình dịch vụ công cộng, trung tâm văn hóa thể thao; khu du lịch sinh thái; cụm công nghiệp chế biến và phục vụ du lịch; phát triển các khu đô thị mới;
+ Thị trấn An Thới là trung tâm cảng, dịch vụ thương mại, an ninh, quốc phòng, đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 25.000 – 28.000 người, quy mô đất đai khoảng 350 – 400 ha; đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 40.000 – 45.000 người, quy mô đất đai khoảng 500 – 600 ha gồm: các khu phố thương mại, dịch vụ cảng và du lịch; phát triển cảng và công trình dịch vụ cảng;
+ Khu đô thị Cửa Cạn là khu đô thị dịch vụ du lịch, thương mại, đánh bắt hải sản, đến năm 2010 quy mô dân số khoảng 4.000 người, quy mô đất đai khoảng 60 ha; đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 8.000 – 10.000 người, quy mô đất đai khoảng 110 – 120 ha gồm: các khu thương mại, dịch vụ du lịch, khu dân cư mới kết hợp với vành đai cây xanh ở ven rạch Cửa Cạn;
+ Khu đô thị Hàm Ninh là khu đô thị dịch vụ du lịch, thương mại, đánh bắt hải sản; đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 5.000 người, quy mô đất đai khoảng 75 ha; đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 10 – 12.000 người, quy mô đất đai khoảng 120 – 150 ha gồm: trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch; trung tâm dịch vụ cộng đồng; khu dân cư làng chài và khu dân cư mới;
+ Khu đô thị Gành Dầu là khu đô thị dịch vụ du lịch, thương mại, đánh bắt hải sản. Đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 3.000 người, quy mô đất đai khoảng 50 ha; đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 5.000 người, quy mô đất đai khoảng 100 ha gồm: các trung tâm hành chính, dịch vụ công cộng kết hợp quảng trường du lịch; các khu dân cư tập trung bao gồm dân cư tái định cư, phát triển khu dân cư mới; các khu du lịch sinh thái;
+ Khu đô thị mới Đường Bào là khu đô thị dịch vụ du lịch, đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 4.000 người, quy mô đất đai khoảng 60 ha; đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 12.000 người, quy mô đất đai khoảng 150 ha gồm: các khu nhà ở, trung tâm dịch vụ công cộng và các công viên lớn trong khu đô thị;
+ Khu đô thị mới Suối Lớn là khu đô thị dịch vụ du lịch, đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 10.000 người, quy mô dân số khoảng 10.000 người, quy mô đất đai khoảng 120 ha; đến năm 2020 quy mô dân số khoảng 25.000 – 30.000 người, quy mô đất đai khoảng 400 ha gồm: các trung tâm dịch vụ du lịch và các công viên lớn trong khu đô thị.
– Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn:
+ Cải tạo, nâng cấp các trung tâm xã, cụm xã hiện hữu tại các xã Hàm Ninh, xã Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm gắn với việc bố trí các khu dân cư nông thôn và các công trình hạ tầng, dịch vụ, đến năm 2020 có tổng quy mô dân số khoảng 40.000 – 50.000 người, quy mô đất đai khoảng 600 ha;
+ Cải tạo và bố trí lại các làng chài hiện hữu theo mô hình tập trung, đảm bảo cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường và gắn với các công trình dịch vụ, theo hướng kết hợp hoạt động ngư nghiệp và dịch vụ du lịch.
– Định hướng phát triển các khu du lịch chính: đường hậu cần du lịch khi đi qua các khu du lịch bãi biển phải cách bãi biển từ 800 – 1400m; đối với đoạn tuyến đi qua các khu bảo tồn hoặc điều kiện địa hình bãi biển được bố trí linh hoạt phù hợp với điều kiện địa hình, với nguyên tắc tạo quỹ đất tối đa cho khai thác du lịch; đối với các bãi biển dài như Bãi Trường và Bãi Dài… bố trí trục không gian có bề rộng từ 50 – 100m, mỗi trục cách nhau từ 500 – 800m, để tạo cảnh quan và giữ vai trò là quảng trường trung tâm cho du lịch công cộng tiếp cận với không gian biển;
+ Khu du lịch Bãi Trường là trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch chính của Đảo, dự kiến bố trí các trung tâm tài chính, ngân hành, thương mại, bưu chính, giải trí và khách sạn có quy mô đất khoảng 1100 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển), nối kết hai khu đô thị mới Đường Bào, và Suối Lớn. Tại khu vực trung tâm, không khống chế tầng cao xây dựng và bố trí các công trình tạo điểm nhấn cho đô thị, mật độ xây dựng tối đa khoảng 50%;
+ Khu du lịch Bãi Sao: là khu dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao kết hợp một số điểm du lịch và dịch vụ cộng đồng có quy mô khoảng 150 ha;
+ Khu du lịch Bãi Khem: là khu dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao kết hợp một số điểm du lịch và dịch vụ cộng đồng có quy mô khoảng 100 ha;
+ Khu du lịch Bãi Đất Đỏ: là khu du lịch hỗn hợp có quy mô khoảng 120 ha, kết hợp xây dựng cảng du lịch cho tàu khách;
+ Khu du lịch Bãi Bà Kèo – Cửa Lấp: là khu du lịch sinh thái chất lượng cao, với bề rộng trung bình khoảng 300m và chiều dài khoảng 4km có quy mô khoảng 135 ha. Không tổ chức thêm tuyến đường mới ven biển, duy trì các mảng cây xanh lớn ven suối, bố trí các quảng trường cho du lịch và dịch vụ cộng đồng;
+ Khu du lịch Bãi Vòng: là khu du lịch hỗn hợp kết hợp cảng du lịch và bến đánh bắt hải sản có quy mô khoảng 300 ha, bố trí khu du lịch dạng biệt thự với mật độ xây dựng thấp từ 10 – 12%, tầng cao trung bình từ 1 – 2 tầng tại khu vực nằm trong tĩnh không của sân bay mới;
+ Khu du lịch Bãi Cửa Cạn: là khu du lịch sinh thái chất lượng cao có sân golf và các dịch vụ phục vụ du lịch biển, với bề rộng 1,3 – 1,4 km và chiều dài khoảng 3 km, có quy mô khoảng 250 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển), duy trì cảnh quan tự nhiên của cửa rạch Cửa Cạn, kết hợp bố trí trung tâm du lịch cộng đồng ở phía Bắc Cửa Cạn;
+ Khu du lịch Bãi Vùng Bầu: là khu du lịch sinh thái chất lượng cao, với bề rộng khoảng 400m, chiều dàu gần 4 kim, có quy mô khoảng 200 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển);
+ Khu du lịch Bãi Ông Lang: là khu du lịch chất lượng cao, với quy mô khoảng 200 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển);
+ Khu du lịch Bãi Dài: là khu du lịch sinh thái chất lượng cao có sân golf cấp quốc tế và các dịch vụ phục vụ du lịch, với bề rộng khoảng 800m (khoảng cách từ mép bờ biển đến được hậu cần vòng quanh đảo), chiều dài khoảng 6 km, có quy mô khoảng 480 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển). Phía Tây Bắc và Đông Nam của bãi bố trí các khu du lịch sinh thái chất lượng cao, bố trí sân golf ở phía Nam, bố trí trung tâm du lịch cộng đồng kết hợp với quảng trường của bãi được bố trí tại vị trí trung tâm bãi;
+ Khu du lịch Bãi Rạch Vẹm: là khu du lịch sinh thái chất lượng cao và khu dân cư làng chài ấp rạch Vèm, với bề rộng khoảng 800m, chiều dài khoảng 4km, có quy mô khoảng 150 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển). Các khu du lịch được bố trí ở khu vực giữa rạch Nhum và rạch Cóc, ở trung tâm bãi bố trí trung tâm du lịch cộng đồng, khu dân cư làng chài bố trí tập trung xung quanh rạch Vèm nằm phía Tây Nam của bãi; duy trì hệ sinh thái tự nhiên ven hai bên rạch;
+ Khu du lịch Bãi Rạch Tràm: là khu du lịch sinh thái chất lượng cao và khu dân cư làng chài ấp rạch Tràm, với bề rộng khoảng 800m, chiều dài bãi khoảng 2,5km, có quy mô khai thác khoảng 200 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển). Bố trí các khu du lịch ở phía Bắc bãi, khu vực còn lại dành cho dự trữ phát triển du lịch, bố trí khu dân cư làng chài tại khu Vũng Trâu nằm cạnh Rạch Tràm với quy mô khoảng 60 ha; trung tâm du lịch cộng đồng bố trí tại khu vực giữa bãi;
+ Khu du lịch Bãi Thơm: là khu du lịch sinh thái và hoạt động dịch vụ du lịch khác, với chiều rộng hẹp khoảng 200m và chiều dài khoảng 2 km, quy mô khai thác khoảng 40 – 50 ha (bao gồm cả đất dự trữ phát triển), bố trí khu du lịch tại khu vực rạch Ông Hiền ở phía Đông Nam bãi Thơm, bố trí khu dân cư làng chài ở trung tâm xã Bãi Thơm kết hợp các cơ sở dịch vụ công cộng;
+ Các bãi biển nhỏ có thể phát triển các cụm du lịch sinh thái quy mô vừa và nhỏ như bãi nhỏ ở An Thới, bãi Mũi An Yến, bãi Xếp, bãi từ Mũi Đất Đỏ đến Mũi Xép, bãi từ Mũi Xép đến Mũi tầu Rũ, bãi Đá Trãi, bãi Mũi Đá Trói tới Mũi Đền Phách, Bãi Cây Da (thuộc xã Dương Tơ); bãi Mũi Hang Rắn, bãi Cây Sao, bãi Bổn thuộc Hàm Ninh)… Ngoài ra, các bãi tại các đảo phía Nam An Thới thuộc xã Hòn Thơm chủ yếu bố trí cho du lịch tham quan đảo, lặn biển, câu cá, mực …”
+ Đỉnh núi Chùa, điểm cao nhất của dãy Hàm Ninh, bố trí điểm du lịch ngắm cảnh toàn đảo; kết hợp các điểm du lịch sinh thái rừng, sông suối như sông Dương Đông, rạch Cửa Cạn, rạch Vũng Bầu, rạch Tràm, rạch Cầu Sấu, suối Tranh, suối Tiên, suối Đà Bàn và khu lặn, du lịch biển ở Tây Bắc đảo.
d) Định hướng kiến trúc, cảnh quan đô thị và khu du lịch đảo;
– Bảo vệ các bãi cát, bãi tắm ven biển, các đảo nhỏ gắn với đảo Phú Quốc để phục vụ các loại hình du lịch biển, nghiêm cấm khai thác cát sử dụng vào các mục đích khác;
– Bảo vệ các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên đảo;
– Đối với các công trình xây dựng tại các khu du lịch phải cách mép bờ biển tối thiểu là 50m; các công trình cao tầng có khối tích lớn nên bố trí những công trình có chiều dài lớn song song với bãi biển để không ảnh hưởng đến tầm nhìn của khu vực xung quanh với không gian biển;
– Tại các trung tâm dịch vụ ở các khu đô thị và khu du lịch phía Nam đảo, có thể bố trí các công trình cao tầng để tạo điểm nhấn cho đảo;
– Khu vực phía Bắc đảo là khu vực nhạy cảm về môi trường, chỉ bố trí các khu du lịch với dạng nhà thấp tầng từ 3 tầng trở xuống, mật độ xây dựng <20%, để bảo vệ cảnh quang và môi trường sinh thái đặc thù của khu vực;
– Các công trình xây dựng trên đảo phải phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên, hạn chế san lấp địa hình, phá vỡ cảnh quan; kiến trúc công trình cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng đảo, có bản sắc kiến trúc, đồng thời có tính hiện đại mang tầm cỡ du lịch thế giới.
đ) Về bảo vệ môi trường sinh thái:
– Bảo vệ các khu vực rừng quốc gia, rừng phòng hộ; rừng tự nhiên và phát triển rừng tái sinh đảm bảo diện tích khoảng 37.000 ha để phục vụ cho ngành du lịch sinh thái và gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên đa dạng của đảo Phú Quốc;
– Bảo vệ và khai thác các hồ Cửa Cạn, hồ Dương Đông, hồ Rạch Cá và hồ Suối Lớn đảm bảo nguồn nước trên đảo và phát triển bền vững;
– Không đầu tư các ngành nghề công nghiệp gây ô nhiễm, khuyến khích đầu tư ngành công nghiệp gắn với sản phẩm phục vụ du lịch, di dời các cụm công nghiệp ra ngoài các khu dân cư; từng bước chuyển đổi ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp sang hoạt động dịch vụ, du lịch;
– Hạn chế việc khai thác nguyên vật liệu xây dựng tại đảo. Cần xác lập quy hoạch các điểm khai thác vật liệu xây dựng để phục vụ cho công tác đầu tư xây dựng phát triển đảo;
– Cải tạo và mở rộng các bãi cát phục vụ du lịch.
6. Định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông:
Phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông chất lượng cao, hạn chế phát triển các phương tiện giao thông như ôtô cá nhân, xe máy v.v…
– Đường bộ:
+ Đường trục chính Bắc – Nam (An Thới – Dương Đông – Suối Cát – Bãi Thơm) có chiều dài 49 km, quy mô 4 làn xe, có giải phân cách và vỉa hè 2 bên, lộ giới 47 m và 30 m, trước mắt chỉ đầu tư 2 làn xe;
+ Đường vòng quanh đảo (An Thới – Cửa Lấp – Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu – Bãi Thơm – Hàm Ninh Vịnh Đầm – Bãi Sao – An Thới), đối với đoạn đi qua các điểm đô thị và du lịch phía Tây có lộ giới 42 m (bao gồm dải cây xanh bảo vệ mỗi bên 10 m); đối với đoạn đi qua các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu du lịch có quy mô nhỏ, có lộ giới 20 m, các tuyến đường này có ý nghĩa là đường hậu cần phục vụ du lịch;
+ Các tuyến đường đi bộ giữa đường hậu cần phục vụ du lịch và bãi biển có lộ giới từ 15 – 20 m;
+ Hệ thống đường nhánh: gồm các đường nối với trục chính, đường bao quanh đảo đến các khu du lịch, khu dân cư, dịch vụ… quy mô 2 làn xe có tổng chiều dài gần 90 km…;
+ Các tuyến đường đô thị và đường nội bộ khu du lịch đảm bảo lộ giới từ 2 làn xe trở lên, trong quy hoạch chi tiết, lưu ý phần hè đường phải đảm bảo độ rộng tối thiểu 5 m trong khu đô thị, 7 m đối với khu du lịch để trồng cây xanh, dành cho người đi bộ và bố trí hành lang kỹ thuật. Đối với khu du lịch: vỉa hè tối thiểu mỗi bên 7 m để đảm bảo trồng cây xanh và người đi bộ;
+ Bãi đỗ xe được quy hoạch tại quảng trường trung tâm đô thị và khu du lịch. Tại các điểm du lịch dành quỹ đất cho bãi đổ xe tập trung;
– Đường thuỷ và cảng biển:
+ Cảng An Thới: là cảng tổng hợp phục vụ hàng hóa và hành khách, với quy mô hàng hóa thông qua cảng 450.000 tấn/năm, hành khách thông qua cảng 360.000 lượt khách/năm;
+ Cảng Dương Đông: là cảng hành khách tiếp nhận 1 phần lượng khách đến Phú Quốc bằng đường biển;
+ Cảng Vịnh Đầm: là cảng có chức năng trú bão cho các tầu, thuyền, đồng thời là cảng hành khách và hàng hóa với quy mô vừa;
+ Bố trí cầu cảng đón khách tại các điểm đưa đón du thuyền các tuyến dọc theo bờ biển với quy mô nhỏ tại Dương Đông, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu, Hàm Ninh, Bãi Vòng;
+ Cảng cho tàu khách du lịch quốc tế tại vịnh Đất Đỏ cho tàu chở công suất 2.000 hành khách neo đậu. Tương lai, có thể phát triển cảng thương mại, hàng hóa cho khu vực biển Tây.
– Đường hàng không:
Trước mắt sử dụng sân bay hiện hữu đảm bảo công suất 300.000 hành khách/năm. Đầu năm xây dựng sân bay mới tại Dương Tơ có quy mô khoảng 800 ha với công suất khoảng 2,5 triệu hành khách/năm, dự kiến đưa vào hoạt động sau năm 2010.
b) Cấp nước:
– Chỉ tiêu:
+ Dân dụng: năm 2010: 110 – 120 lít/người/ngày đêm và năm 2020: 150 – 180 lít/người/ngày đêm;
+ Công nghiệp: 40 m3/ha;
+ Du lịch: 250 – 300 lít/giường/ngày đêm.
– Tổng nhu cầu: năm 2010 khoảng 18.000 – 20.000 m3/ngày đêm; năm 2020 khoảng 45.000 – 50.000 m3/ngày đêm.
– Nguồn nước:
Tại Đảo Phú Quốc chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm. Bố trí và triển khai dự án đầu tư xây dựng 4 hồ để trữ nước phục vụ nhu cầu nước sạch trên đảo là: hồ Dương Đông với công suất khoảng 7 – 10 triệu m3, hồ Suối Lớn với công suất khoảng 1,5 triệu m3, hồ Rạch Cá với công suất khoảng 1 triệu m3, hồ Cửa Cạn với công suất khoảng 33 triệu m3– 35 triệu m3. Sau năm 2020, khi có nhu cầu phát triển, nghiên cứu đưa nước ngọt từ đất lềin ra đảo và tái sử dụng nguồn nước sau khi xử lý cung cấp bổ sung cho Đảo.
c) Cấp điện:
– Chỉ tiêu:
+ Sinh hoạt: 1.500 KW/người/năm;
+ Công nghiệp: 250 KW/ha;
+ Du lịch: từ 2 – 3 KW/giường.
– Tổng nhu cầu điện đến năm 2010 khoảng 50 MW và năm 2020 khoảng 150 MW.
– Nguồn điện:
Giai đoạn đầu, đầu tư xây dựng nhà máy điện chạy khí đốt và nghiên cứu phương án kéo lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo bằng hệ thống cáp ngầm. Khuyến khích đầu tư xây dựng các loại hình khai thác điện bằng năng lượng mặt trời, điện gió v.v… để bảo vệ môi trường sinh thái.
d) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
– Tổng lưu lượng nước thải: 40.000 m3/ngày đêm.
– Giai đoạn đầu, tại các đô thị và khu vực du lịch bố trí trạm xử lý nước thải cục bộ đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra bểin, sông, suối, hồ. Sau năm 2010, xây dựng trục thu gom nước thải và trạm xử lý nước thải tập trung dự kiến bố trí ớ phía Nam đảo.
– Rác thải: tổng lưu lượng rác khoảng 200 – 220 tấn/ngày. Xây dựng khu xử lý rác tập trung tại Cửa Cạn và Hàm Ninh với quy mô mỗi khu khoảng 25 ha.
– Nghĩa địa: 2 khu nghĩa địa tập trung tại phía Bắc Cửa Dương có quy mô 10 ha và phía Nam khu Suối Mây – Dương Tơ có quy mô 25 ha. Hướng tới xây dựng đài hỏa táng, để tiết kiệm quỹ đất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu từ 5 đến 10 năm tới và chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới:
a) Triển khai lập, xét duyệt quy hoạch chung thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và các khu du lịch Bãi Trường – Dương Tơ; quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng khác;
b) Lập và triển khai thực hiện các dự án bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và môi trường, quy hoạch các khu vực khai thác vật liệu xây dựng đảm bảo ổn định môi trường sinh thái và phát triển đảo bền vững.
c) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội chính gồm:
– Đầu tư xây dựng trục đường bộ chính của Đảo từ An Thới – Dương Đông – ngã ba Bãi Thơm – Gành Dầu;
– Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai quanh đảo: từ Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu – Bãi Thơm – Hàm Ninh – Vịnh Đầm – An Thới – Dương Đông;
– Nâng cấp các tuyến đường nhánh hiện có;
– Hoàn chỉnh cảng An Thới và Dương Đông, đầu tư cảng Vịnh Đầm với quy mô 2 bến nhô cho tàu ven biển, tàu cao tốc. Nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hành khách cho tàu quốc tế tại Vịnh Đất Đỏ, cải tạo nâng cấp luồng tàu trên sông Dương Đông, cải tại các bến đánh bắt hải sản tại Hàm Ninh, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu;
– Nâng cấp đường trong đô thị Dương Đông, An Thới; trồng cây xanh và quản lý hè đường, đảm bảo phục vụ đi lại của người dân, khách du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị;
– Đầu tư xây dựng sân bay mới ở Dương Tơ;
– Đầu tư xây dựng nhà máy nước Dương Đông công suất 10.000 m3/ngày đêm; chuẩn bị đầu tư xây dựng hồ Suối Lớn để cung cấp nhu cầu phát triển phía Nam đảo và nghiên cứu giải pháp xây dựng hồ Cửa Cạn để đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt và du lịch trên đảo;
– Mở rộng Nhà máy điện tại Dương Đông; nghiên cứu giải pháp đưa điện lưới từ đất liền ra đảo.
– Đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt ưu tiên xây dựng bệnh viện chất lượng cao, các công trình nhà trẻ, trường học…
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm:
1. Tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành.
2. Ban hành Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc.
3. Hướng dẫn tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.
4. Quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng, có kế hoạch sử dụng quỹ đất phù hợp với nguồn vốn và năng lực của các chủ đầu tư, tránh tình trạng giữ đất và sử dụng sai mục đích, đảm bảo khai thác hiệu quả qũy đất trên Đảo.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |