CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2000/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2000 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 11/2000/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 5 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO ĐẢM AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế Bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
QUY CHẾ
BẢO ĐẢM AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 11/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích của Quy chế
Quy chế này quy định các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Điều 2. Phạm vi áp dụng của Quy chế
Quy chế này được áp dụng đối với:
1. Hoạt động hàng không dân dụng trên lãnh thổ Việt Nam và hoạt động hàng không dân dụng do các tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu pháp luật của nước sở tại không có quy định khác.
2. Việc sử dụng tầu bay công vụ nhà nước nhằm mục đích dân dụng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Hành vi can thiệp bất hợp pháp” là hành vi cố ý hoặc vô ý gây nguy hại hoặc có thể gây nguy hại cho an toàn của hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm một trong các hành vi sau:
a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt tầu bay hoặc giành quyền kiểm soát tầu bay;
b) Phá hủy tầu bay đang khai thác; gây hư hỏng hay đặt các thiết bị, các chất liệu lên tầu bay dẫn đến tầu bay không hoạt động được hoặc có thể bị uy hiếp an toàn khi bay;
c) Phá hủy hoặc gây hư hại các phương tiện điều hành bay hoặc kiểm soát bất hợp pháp hoạt động của các phương tiện đó dẫn đến uy hiếp an toàn của tầu bay đang bay;
d) Thông báo các thông tin sai gây ảnh hưởng đến an toàn của tầu bay đang bay;
đ) Phá huỷ hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình, trang thiết bị cảng hàng không làm ngưng trệ việc cung cấp dịch vụ cho các tầu bay đang khai thác tại đó và uy hiếp an toàn cảng hàng không.
2. “Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không dân dụng” là việc nhân viên an ninh hàng không dân dụng thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện và ngăn ngừa việc mang, cài, đặt, cất giấu vũ khí, chất nổ hoặc đồ vật và chất nguy hiểm để thực hiện hoặc có thể thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tầu bay, trung tâm điều hành bay, cơ sở phục vụ hoạt động bay hoặc đối với hoạt động hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay; phát hiện và ngăn ngừa người, phương tiện vào khu vực hạn chế, lên tầu bay trái pháp luật.
3. “Tầu bay đang bay” là tầu bay đang trong thời gian khai thác kể từ thời điểm khi tất cả các cửa ngoài của tầu bay đóng lại sau khi đã xếp hành khách, hành lý và hàng hoá lên tầu bay cho đến thời điểm khi bất kỳ một cửa nào nói trên được mở ra cho hành khách, hành lý và hàng hoá xuống tầu bay; trong trường hợp hạ cánh bắt buộc, tầu bay vẫn được coi là đang bay cho tới khi người chỉ huy tầu bay chuyển giao trách nhiệm đối với tầu bay, người, hành lý và hàng hoá cho cơ quan có thẩm quyền.
4. “Tầu bay đang khai thác” là tầu bay đang trong thời gian kể từ khi bắt đầu các công việc cho một chuyến bay đến 24 giờ sau khi tầu bay hạ cánh, bao gồm toàn bộ thời gian tầu bay đang bay.
5. “Khu vực hạn chế” là khu vực của cảng hàng không, công trình, hoặc khu lắp đặt trang thiết bị mà việc ra, vào và hoạt động tại đó phải tuân thủ những quy định của cơ quan có thẩm quyền và được kiểm tra, giám sát an ninh hàng không dân dụng.
6. “Khu vực cách ly” là khu vực hạn chế dành cho hành khách chờ lên tầu bay và hành lý xách tay của họ đã qua kiểm tra an ninh hàng không dân dụng.
7. “Khu bay” là khu vực hạn chế bao gồm sân đỗ tầu bay, đường cất – hạ cánh, đường lăn, lề bảo hiểm và các công trình, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bay ở khu vực đó.
8. “Kho hàng hóa” là khu vực tiếp nhận hoặc trả hàng hóa vận chuyển bằng tầu bay dân dụng.
9. “Hành lý” là tài sản của hành khách hoặc tổ bay được chuyên chở bằng tầu bay theo thoả thuận với người khai thác tầu bay.
10. “Hành lý xách tay” là hành lý được hành khách hoặc thành viên tổ bay mang theo người lên tầu bay và do hành khách hoặc thành viên tổ bay đó bảo quản trong thời gian tầu bay đang bay.
11. “Hành lý ký gửi” là hành lý được đưa lên tầu bay nhưng trong thời gian tầu bay đang bay hành khách hoặc thành viên tổ bay có hành lý không bảo quản.
12. “Hành lý vô thừa nhận” là hành lý không được hành khách hoặc thành viên tổ bay nhận.
13. “Bưu phẩm” bao gồm thư, bưu thiếp, ấn phẩm, học phẩm cho người mù và gói nhỏ được nhận gửi, chuyển, phát theo quy định pháp luật về bưu điện.
14. “Bưu kiện” là vật phẩm, hàng hoá được nhận gửi, chuyển, phát theo quy định pháp luật về bưu điện.
15. “Hàng hoá” là tài sản được chuyên chở trên tầu bay mà không phải bưu phẩm, bưu kiện hay hành lý.
16. “Đồ vật nguy hiểm” là những vật trực tiếp đe dọa hoặc có thể sử dụng để đe dọa tính mạng, sức khoẻ của người hoặc an toàn của tầu bay đang bay.
17. “Chất nguy hiểm” là những chất có thể trực tiếp gây thiệt hại hoặc có thể được sử dụng để gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của người hoặc an toàn của tầu bay đang bay.
18. “Đồ vật phục vụ trên tầu bay” là tất cả các đồ vật được chuẩn bị để dùng hoặc bán trên tầu bay và suất ăn phục vụ trong thời gian tầu bay đang bay.
19. “Thiết bị an ninh hàng không dân dụng” là thiết bị chuyên dùng được sử dụng nhằm mục đích ngăn ngừa và phát hiện các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
20. “Phương án khẩn nguy” là phương án xây dựng có sự phối hợp của nhiều lực lượng liên quan nhằm sẵn sàng đối phó và đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
21. “Chuyến bay chuyên cơ” là chuyến bay của Việt Nam hoặc nước ngoài được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo theo quy định chuyên cơ.
Chương 2:
CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
MỤC 1: CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Điều 4. Khu vực hạn chế
1. Các khu vực hạn chế phải được quy định tại các cảng hàng không, tại nơi diễn ra hoạt động hàng không dân dụng liên quan đến điều hành bay và vận chuyển hàng không.
Việc quy định các khu vực hạn chế phải phù hợp với tính chất hoạt động hàng không dân dụng, mục đích bảo đảm an toàn, an ninh hàng không và không được gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không.
2. Người, phương tiện ra, vào và hoạt động ở khu vực hạn chế phải có thẻ kiểm soát an ninh hàng không hoặc giấy phép theo quy định; chịu sự kiểm tra, giám sát an ninh hàng không và tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên an ninh hàng không hoặc nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ tại khu vực đó.
Lực lượng công an quản lý xuất, nhập cảnh và lực lượng hải quan khi làm nhiệm vụ tại các khu vực hạn chế phải đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không, mặc trang phục, đeo biển hiệu theo quy định của ngành mình.
Hành khách đi tầu bay phải có vé, thẻ lên tầu bay đúng chuyến bay ghi trên thẻ và chỉ được vào các khu vực dành cho hành khách tại cảng hàng không.
3. Nghiêm cấm thực hiện ở các khu vực hạn chế những hành vi sau đây:
a) Phá hủy, gây hư hại, làm biến dạng, di chuyển vật đánh dấu, vật ngăn cách, vật ghi tín hiệu, vật bảo vệ và các thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bay và vận chuyển hàng không;
b) Đưa vũ khí, chất cháy, chất nổ, các đồ vật nguy hiểm khác vào các khu vực hạn chế khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Bảo vệ tầu bay và trang thiết bị hàng không
Thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các tầu bay đậu tại cảng hàng không, sân bay; các phương tiện, trang thiết bị điều hành bay và các công trình cảng hàng không quan trọng khác liên quan đến phục vụ hoạt động bay và vận chuyển hàng không nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi can thiệp bất hợp pháp.
Điều 6. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không
1. Trước khi lên tầu bay hoặc vào các khu vực hạn chế, hành khách, thành viên tổ bay, người phục vụ chuyến bay và những người khác; hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, đồ vật phục vụ trên tầu bay và các đồ vật khác phải qua kiểm tra an ninh hàng không.
2. Thực hiện tái kiểm tra an ninh hàng không đối với các trường hợp sau đây:
a) Hành khách đã qua kiểm tra an ninh hàng không nhưng tiếp xúc với người chưa được kiểm tra an ninh hàng không;
b) Khi phát hiện người chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly hoặc lên tầu bay.
3. Đối tượng phải tái kiểm tra an ninh hàng không bao gồm: hành khách và hành lý xách tay của hành khách trong trường hợp nói tại điểm a; toàn bộ hành khách và hành lý xách tay ở khu vực cách ly hoặc trên tầu bay trong trường hợp nói tại điểm b khoản 2 của Điều này.
4. Kiểm tra an ninh hàng không được tiến hành bằng phương tiện kỹ thuật hoặc bằng trực quan theo nguyên tắc chặt chẽ, văn minh và lịch sự.
5. Hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, đồ vật phục vụ trên tầu bay và các đồ vật khác đã qua kiểm tra an ninh hàng không phải được giám sát liên tục cho đến khi đưa lên tầu bay hoặc ra khỏi khu vực hạn chế.
6. Không được phép đưa lên tàu bay hoặc vận chuyển bằng tàu bay những hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, đồ vật phục vụ trên tầu bay và các đồ vật khác nếu các đối tượng đó từ chối hoặc chưa được kiểm tra an ninh hàng không.
7. Trong trường hợp tầu bay đã khởi hành, nếu phát hiện những vấn đề không bảo đảm an ninh hàng không thì Giám đốc cảng hàng không nơi tầu bay khởi hành có trách nhiệm thông báo ngay cho người chỉ huy tầu bay đang bay, Giám đốc cảng hàng không nơi tầu bay đến để áp dụng các biện pháp thích hợp.
8. Trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 7 của Quy chế này, các vật và chất sau đây bị cấm mang theo người, để trong hành lý xách tay:
a) Súng, đạn, chất nổ, chất dễ cháy, khí nén, chất độc, chất ăn mòn kim loại, hơi cay, phóng xạ, thuỷ ngân, chất có từ tính cao;
b) Các vật kim loại nhọn, dao kéo, búa, rìu hoặc các vật dụng mà có thể sử dụng làm vũ khí đe dọa hoặc hành hung, các loại đồ chơi hoặc vật dụng có hình dạng giống vũ khí.
9. Việc vận chuyển bằng tầu bay các đồ vật hoặc các chất nguy hiểm nói tại điểm a, khoản 8 Điều này phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng hoá nguy hiểm.
Điều 7. Các quy định an ninh hàng không đối với một số trường hợp đặc biệt
1. Bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị dẫn độ, người bị trục xuất, người phải hồi hương, người bị bệnh tâm thần được chuyên chở bằng tầu bay phải qua kiểm tra, giám sát an ninh hàng không trước khi vào khu vực hạn chế hoặc lên tầu bay. Người bị tâm thần hoặc rối loạn thần kinh phải có bác sỹ hoặc thân nhân đi kèm. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không phải được thông báo trước về các đối tượng trên đây để phối hợp bảo đảm an toàn cho chuyến bay.
2. Kiểm tra an ninh hàng không trực quan tại nơi riêng biệt được áp dụng đối với hành khách bị mù loà, điếc, tàn tật hoặc thương binh nặng phải dùng xe đẩy, cáng cứu thương, người có gắn các thiết bị phụ trợ trên người.
Trường hợp kiểm tra an ninh hàng không riêng biệt theo yêu cầu của hành khách thì phải có sự chứng kiến của người thứ ba và biên bản kiểm tra.
3. Những người mang vũ khí bên người trong thời gian tàu bay đang bay phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Người chỉ huy tầu bay được thông báo về danh sách, chỗ ngồi trên tầu bay của những người đó.
4. Trong trường hợp phát hiện hành lý vô thừa nhận trên tầu bay hoặc ở các khu vực hạn chế phải nhanh chóng đưa ra khỏi tầu bay hoặc các khu vực hạn chế để kiểm tra an ninh hàng không ở nơi riêng biệt hoặc áp dụng phương thức xử lý khác về an ninh hàng không.
Điều 8. Kiểm tra an ninh hàng không đối với túi ngoại giao, túi lãnh sự
1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn kiểm tra an ninh hàng không khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Túi ngoại giao, túi lãnh sự đã được niêm phong, mang dấu hiệu bên ngoài dễ nhận thấy, chỉ rõ đặc điểm của túi ngoại giao, túi lãnh sự và chỉ chứa đựng những tài liệu ngoại giao và những đồ vật để sử dụng cho mục đích ngoại giao và lãnh sự;
b) Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự hoặc người được uỷ quyền xuất trình các giấy tờ chính thức xác nhận cương vị của họ và số kiện tạo thành túi ngoại giao, túi lãnh sự.
2. Trường hợp có cơ sở chắc chắn rằng, túi ngoại giao, túi lãnh sự có chứa vật hoặc chất nói tại điểm a và b khoản 8 Điều 6 của Quy chế này hoặc các chất nguy hiểm khác thì sẽ bị từ chối chuyên chở bằng tầu bay.
3. Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự, người được uỷ quyền và hành lý, hàng hóa của họ không được miễn kiểm tra an ninh hàng không.
Điều 9. Bảo đảm an ninh hàng không đối với chuyến bay chuyên cơ
1. Tầu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ được bố trí đậu riêng biệt với các tầu bay khác, có rào chắn, ánh sáng và hành lang bảo vệ thích hợp. Cục hàng không dân dụng Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức bảo vệ, giám sát tầu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ.
2. Những người thực hiện các công việc chuẩn bị chuyến bay chuyên cơ phải mang thẻ phục vụ chuyên cơ. Thẻ phục vụ chuyên cơ được thu hồi sau khi kết thúc công việc chuẩn bị.
3. Bộ Công an phối hợp với Cục hàng không dân dụng Việt Nam:
a) Kiểm tra an ninh khu vực cảng hàng không, nhà ga 24 giờ trước khi tầu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ khởi hành hoặc đến;
b) Bảo đảm an toàn cho chuyến bay chuyên cơ; tầu bay Việt Nam thực hiện chuyến bay chuyên cơ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam;
c) Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với người, hành lý, hàng hoá được chuyên chở trên chuyến bay chuyên cơ hoặc khách chuyên cơ đi trên chuyến bay thông thường.
4. Các tổ chức, cá nhân phục vụ hoặc liên quan đến phục vụ chuyến bay chuyên cơ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật chuyến bay chuyên cơ.
Điều 10. Bảo đảm an ninh hàng không trên tầu bay đang bay
1. Người chỉ huy tầu bay có trách nhiệm duy trì kỷ luật, trật tự trên tầu bay, bảo đảm an toàn cho tầu bay, tính mạng, tài sản của mọi người trên tầu bay đang bay; thực hiện các biện pháp ngăn chặn cần thiết đối với người chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện các hành vi gây nguy hại cho an toàn của tầu bay, người và tài sản trên tầu bay; thông báo cho cơ quan quản lý bay về các sự cố, hành vi gây nguy hại cho an toàn bay xảy ra trên tầu bay để phối hợp xử lý nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho chuyến bay, người và tài sản trên tầu bay.
2. Các thành viên tổ bay phải thường xuyên liên lạc với người chỉ huy tầu bay và báo cáo kịp thời mọi sự cố và hành vi gây nguy hại cho an toàn của tầu bay, người và tài sản trên tầu bay.
3. Hành khách có trách nhiệm thông báo cho thành viên tổ bay về hành vi gây nguy hại cho an toàn của tầu bay, người, tài sản trên tầu bay đang bay.
MỤC 2: BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI CÁC HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP
Điều 11. Nguyên tắc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp
Mọi biện pháp đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc đối với tầu bay Việt Nam hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam phải bảo đảm an toàn cho tầu bay, hành khách, tổ bay, hành lý và hàng hoá trên tầu bay, người và tài sản ở mặt đất.
Điều 12. Đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp
1. Khi nhận được thông tin về hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tầu bay đang đậu tại cảng hàng không, khu điều hành bay hoặc các phương tiện, trang thiết bị điều hành bay, công trình hoặc các phương tiện, trang thiết bị cảng hàng không, Giám đốc cảng hàng không phải nhanh chóng phối hợp với các đơn vị đang hoạt động tại cảng hàng không để biệt lập với đối tượng bị can thiệp bất hợp pháp đó tầu bay, người, phương tiện và các tài sản khác; đồng thời thông báo ngay cho Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam.
2. Trong trường hợp tầu bay đang bay là đối tượng bị can thiệp bất hợp pháp, người chỉ huy tầu bay phải nhanh chóng thông báo cho cơ quan điều hành bay để kiểm soát toàn bộ các giai đoạn của chuyến bay và thực hiện các biện pháp giúp đỡ cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho tầu bay, người và tài sản trên tầu bay. Các thành viên tổ bay và hành khách có trách nhiệm giúp đỡ người chỉ huy tầu bay thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi nguy hại xảy ra trên tầu bay đang bay. Khi hạ cánh, tầu bay bị can thiệp bất hợp pháp phải được hướng dẫn đậu tại khu vực biệt lập ở cảng hàng không để việc thực hiện phương án khẩn nguy được thuận tiện.
3. Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng và Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan khác xây dựng và triển khai phương án khẩn nguy.
4. Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý các vấn đề về bảo đảm an toàn cho tầu bay, tổ bay, hành khách, hành lý và hàng hóa trên tầu bay.
5. Các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện các biện pháp theo phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.
Chương 3:
THỰC HIỆN BẢO ĐẢM AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
Điều 13. Phối hợp hoạt động bảo đảm an ninh hàng không
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không theo quy định của Quy chế này; thực hiện công tác nghiệp vụ; giải quyết các vấn đề phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của nhau theo quy định pháp luật.
Điều 14. Lực lượng an ninh hàng không dân dụng
1. Lực lượng an ninh hàng không dân dụng thuộc hệ thống tổ chức của ngành hàng không dân dụng Việt Nam bao gồm những cán bộ, nhân viên đảm nhiệm các công tác liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không.
2. Lực lượng an ninh hàng không dân dụng được trang bị vũ khí và các thiết bị hỗ trợ cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ.
3. Cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ an ninh hàng không phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ an ninh hàng không.
Điều 15. Sử dụng thiết bị an ninh hàng không dân dụng
1. Máy X-quang, máy phát hiện chất nổ, máy phát hiện kim loại, máy thu hình để giám sát, máy phát hiện đột nhập, hệ thống đèn chiếu sáng và các thiết bị khác phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đều được sử dụng vào họat động bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
2. Các hầm xử lý vật gây nổ có thể được xây dựng tại các cảng hàng không căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế ở các cảng hàng không đó.
Điều 16. Ngân sách cho việc bảo đảm an ninh hàng không dân dụng
1. Ngân sách cho việc bảo đảm an ninh hàng không dân dụng bao gồm các nguồn sau đây:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Khoản thu từ dịch vụ kiểm tra, giám sát an ninh hàng không dân dụng đối với hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, bảo vệ tầu bay và các dịch vụ khác liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không được phép sử dụng cho hoạt động cung cấp dịch vụ và mua sắm trang bị, thiết bị an ninh hàng không dân dụng.
2. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không chịu toàn bộ chi phí cho việc đối phó với những hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra với tầu bay, hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện chuyên chở trên tầu bay của mình.
Điều 17. Trách nhiệm của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
1. Ban hành theo thẩm quyền các quy định về khu vực hạn chế; về kiểm tra, giám sát an ninh hàng không; về thẻ kiểm soát an ninh hàng không và thẻ phục vụ chuyên cơ.
2. Quy định tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của lực lượng an ninh hàng không, tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên an ninh hàng không và chứng chỉ nghiệp vụ an ninh hàng không; xây dựng lực lượng an ninh hàng không; biên soạn tài liệu và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng an ninh hàng không.
3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, chính quyền địa phương để duy trì trật tự tại cảng hàng không, sân bay.
4. Phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng và chính quyền địa phương duy trì trật tự tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay; phòng chống tội phạm hình sự và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực cảng hàng không, sân bay.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan khác định kỳ tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Quy chế này.
6. Kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ quan, cá nhân trong ngành hàng không dân dụng, các doanh nghiệp hàng không nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện các quy định của Quy chế này, các văn bản pháp luật khác về an ninh hàng không và các Điều ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam ký kết.
7. Đình chỉ, tạm thời đình chỉ chuyến bay, việc chuyên chở hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện khi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
8. Thẩm định các tiêu chuẩn, yêu cầu về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng trong việc thiết kế xây dựng, cải tạo, lắp đặt trang thiết bị tại cảng hàng không, sân bay, khu sản xuất suất ăn, kho hàng hóa, khu điều hành bay.
9. Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trợ giúp cho tầu bay của Việt Nam hoặc tầu bay nước ngoài là đối tượng của hành vi can thiệp bất hợp pháp trên lãnh thổ hoặc trong vùng trời thuộc trách nhiệm quản lý của Việt Nam.
10. Trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh hàng không với các tổ chức quốc tế về hàng không dân dụng và các quốc gia khác; khi cần thiết, thông báo cho Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các quốc gia liên quan thông tin về hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
11. Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình an ninh hàng không dân dụng đối với các cụm cảng hàng không. Hướng dẫn các Cụm cảng hàng không lập kế hoạch và diễn tập triển khai thực hiện các phương án ứng phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại các cảng hàng không, sân bay; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng ở các cảng hàng không, sân bay.
12. Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình an ninh hàng không dân dụng đối với các doanh nghiệp vận chuyển hàng không. Hướng dẫn các doanh nghiệp vận chuyển hàng không huấn luyện nghiệp vụ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
13. Chỉ đạo cơ quan quản lý điều hành bay dân dụng xây dựng phương án xử lý các thông tin sai và phương án ứng phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tầu bay tại cảng hàng không hoặc tầu bay đang bay.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Tổ chức, quản lý và làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với hành khách, thành viên tổ bay đi trên chuyến bay quốc tế; tiếp nhận, điều tra và xử lý các vi phạm an ninh hàng không dân dụng tại các cảng hàng không theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ huy các lực lượng tham gia thực hiện phương án khẩn nguy khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp.
3. Phối hợp với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng an ninh hàng không dân dụng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy của ngành hàng không dân dụng.
4. Phối hợp với tổ chức cảnh sát của các nước có liên quan, trong trường hợp cần thiết; giải quyết các vấn đề liên quan đến trường hợp tầu bay Việt Nam hoạt động ở nước ngoài hoặc tầu bay nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị của ngành hàng không dân dụng tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ, kiểm soát các lối vào khu bay, khu đặt trang thiết bị, công trình, cơ sở phục vụ hoạt động bay dân dụng tại các khu vực do Bộ Quốc phòng quản lý ở các sân bay dùng chung.
2. Tham gia kiểm tra, phát hiện, tháo gỡ bom, mìn tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tầu bay hoặc phối hợp với cơ quan quản lý điều hành bay dân dụng hướng dẫn tổ bay xử lý thích hợp khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tầu bay đang bay.
3. Giúp đỡ các doanh nghiệp vận chuyển hàng không hoặc người khai thác tầu bay bảo vệ tầu bay, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng đối với hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện khi tầu bay dân dụng hoạt động tại sân bay quân sự.
4. Chỉ đạo các cơ quan quản lý vùng trời, quản lý bay của Bộ Quốc phòng ưu tiên trợ giúp điều hành tầu bay dân dụng bị can thiệp bất hợp pháp khi bay trong vùng trời do Bộ Quốc phòng quản lý; phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ tầu bay bị mất tích, lâm nạn.
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Trong trường hợp tầu bay dân dụng Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp trên lãnh thổ nước ngoài hoặc phải hạ cánh xuống lãnh thổ nước ngoài do bị can thiệp bất hợp pháp, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và với phía nước ngoài để giải quyết các vấn đề về tầu bay, tổ bay, hành khách, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện và yêu cầu thực hiện quyền tài phán của Việt Nam đối với hành vi phạm tội.
2. Trong trường hợp tầu bay nước ngoài bị can thiệp bất hợp pháp trong lãnh thổ Việt Nam hoặc phải hạ cánh xuống lãnh thổ Việt Nam do bị can thiệp bất hợp pháp, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thông báo kịp thời cho quốc gia đăng ký tầu bay và các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan về vụ việc và các biện pháp xử lý.
Điều 21. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác
1. Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền nếu phát hiện các đồ vật hoặc chất nguy hiểm đưa lên tầu bay, phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo ngay cho lực lượng an ninh hàng không của cảng hàng không để phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh hàng không.
2. Tổng cục Bưu điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát bưu phẩm, bưu kiện trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp vận chuyển hàng không để chuyên chở bằng tầu bay nhằm phát hiện, ngăn chặn việc đưa lên tầu bay vũ khí, chất nổ và các đồ vật hoặc chất nguy hiểm khác.
3. Chính quyền địa phương nơi có cảng hàng không, sân bay hoặc bãi cất, hạ cánh tạm thời hoặc nơi lắp đặt các trang thiết bị phục vụ hoạt động hàng không dân dụng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo vệ tài sản, duy trì trật tự công cộng và tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
4. Các tổ chức và cá nhân đang khai thác tầu bay không phải là doanh nghiệp vận chuyển hàng không có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng quy định tại Quy chế này.
5. Các tổ chức làm dịch vụ hàng hoá chuyên chở bằng tầu bay, các doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp suất ăn cho các chuyến bay phải chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an ninh hàng không dân dụng đối với hàng hóa và suất ăn trước khi giao cho doanh nghiệp vận chuyển hàng không.
6. Các tổ chức và cá nhân hoạt động tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thông báo ngay cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về hành vi can thiệp bất hợp pháp hoặc hành vi có thể gây nguy hại hoặc gây nguy hại cho hoạt động hàng không dân dụng.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hướng dẫn thực hiện
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện Quy chế này.
Điều 23. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế bảo đảm an ninh hàng không dân dụng được khen thưởng theo quy định chung.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an ninh hàng không dân dụng thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý theo pháp luật.