Quyết định 731/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Trang Chủ
  • VẬN TẢI HÀNG KHÔNG, HÀNG HẢI 2014
  • Quyết định 731/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030

QUYẾT ĐỊNH 731/QĐ-UBND NĂM 2014 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2014 – 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 731/QĐ-UBNDLai Châu, ngày 07 tháng 7 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2014 – 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 240/QĐ-TTg ngày 28/01/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020; Số 355/2013/QĐ-TTgngày 25/02/2013 về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013-2020 và định hướng đến năm 2030;

Thực hiện Thông báo số 1129-TB/TU ngày 26/6/2014 của Tỉnh ủy Lai Châu về Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 25/6/2014;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 258/TTr- SGTVT ngày 27 tháng 3 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

– Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa để hỗ trợ giao thông vận tải đường bộ, đáp ứng được quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác của tỉnh để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các chương trình, mục tiêu và bảo đảm quốc phòng an ninh.

– Phát huy tối đa điều kiện tự nhiên của hệ thống sông ngòi, hồ thủy điện, kết hợp với đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng bến bãi và phương tiện để phát triển giao thông vận tải thủy nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của Nhân dân địa phương.

– Phát triển giao thông vận tải thủy trên cơ sở tăng cường công tác quản lý để nâng cao chất lượng vận tải, trong đó chú trọng đảm bảo thuận lợi, an toàn cho hành khách, hàng hóa và phương tiện.

– Từng bước xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng giao thông vận tải thủy. Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển giao thông đường thủy; dành quỹ đất hợp lý để phát triển, đầu tư xây dựng đảm bảo hành lang an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, cảnh quan.

2. Mục tiêu phát triển

– Từng bước xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường thủy tỉnh Lai Châu phát triển đồng bộ cả về luồng tuyến, cảng bến, phương tiện và năng lực quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn.

– Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới giao thông đường bộ tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt; kết hợp giữa phát triển giao thông đường thủy với các ngành khác như thuỷ lợi, thuỷ điện…

– Phát triển phương tiện vận tải thủy phù hợp với điều kiện luồng lạch và bảo đảm an toàn vận tải.

– Nâng cao hiệu lực hệ thống pháp luật quản lý chuyên ngành đường thủy nội địa; quản lý một cách toàn diện, có tính hệ thống mọi hoạt động vận tải thủy nội địa, bao gồm công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, bến ngang sông, công tác kiểm định, cấp phép phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy.

3. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thuỷ nội địa

3.1. Giai đoạn đến năm 2020

3.1.1. Quy hoạch phát triển các tuyến vận tải thủy nội địa

Các tuyến vận tải được quy hoạch theo các khu vực như sau:

(a). Vùng hồ thủy điện Sơn La

Thủy điện Sơn La là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất 2.400MW, cao trình tích nước cao nhất là +215 m, diện tích hồ chứa 224km2, dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỉ mét khối nước.

– Thủy điện Sơn La tạo nên một vùng hồ rộng lớn kéo dài từ thủy điện Sơn La đến tỉnh Điện Biên và Lai Châu, quy hoạch tuyến vận tải thủy chính như sau:

+ Tuyến từ thủy điện Sơn La đến thủy điện Lai Châu (tại xã Nậm Hằng) dài khoảng 179 km, trong đó trên địa bàn Lai Châu khoảng 90 km; đây là tuyến có tiềm năng thu hút khách du lịch lớn từ các tỉnh đến Lai Châu; ngoài ra còn có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển trang thiết bị, nguyên vật liệu để xây dựng thủy điện Lai Châu.

+ Tuyến từ Mường Lay đến bến Chăn Nưa dài khoảng 15 km; vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ khu công nghiệp, dịch vụ đóng và sửa chữa tàu thuyền.

+ Tuyến từ Nậm Mạ đến bến Nậm Tăm dài khoảng 17 km.

– Về luồng: khá thuận lợi vì mực nước hồ sâu, không hạn chế phương tiện vận tải có sức chở lớn, có thể khai thác gần như quanh năm. Cần khảo sát và có giải pháp để đảm bảo an toàn gồm thanh thải chướng ngại vật, cắm phao hoặc biển báo hiệu dẫn luồng hoặc đánh dấu cảnh báo; khắc phục tình trạng sử dụng đăng đáy, giăng lưới đánh bắt cá của Nhân dân sống ven hồ ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện.

(b). Vùng hồ thủy điện Lai Châu

Thủy điện Lai Châu có công suất 1200 MW được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn; dự kiến năm 2016 cơ bản vùng hồ thủy điện sẽ được xây dựng xong, tích nước để phát điện.

Giai đoạn 2014-2015, chưa đầu tư xây dựng các cảng, bến, luồng tuyến do vùng hồ chưa hình thành, chủ yếu là tăng cường quản lý đối với việc đi lại của người dân và các đò ngang sông nhằm tăng cường đảm bảo ATGT.

Giai đoạn 2016-2020, hồ chứa nước đã hình thành, cần khảo sát, đo đạc vùng hồ để đầu tư xây dựng các cảng, bến theo quy hoạch và đưa các tuyến vận tải vào quản lý khai thác.

– Quy hoạch tuyến vận tải lòng hồ: từ thủy điện Lai Châu đến cảng Pắc Ma (cách biên giới Việt Nam-Trung Quốc khoảng 19km) dài 86 km qua các xã Nậm Hằng, Mường Mô, Kan Hồ, Nậm Khao, Mường Tè xã và nhánh vào trung tâm huyện Mường Tè.

– Về luồng: rất thuận lợi vì mực nước hồ sâu, không hạn chế đối với phương tiện có sức chở lớn, có thể khai thác vận tải quanh năm (mực nước có chỗ sâu tới 70 mét). Cần có các giải pháp để đảm bảo an toàn trong lưu thông, thanh thải chướng ngại vật và cắm phao hoặc biển báo hiệu dẫn luồng.

(c). Vùng hồ thủy điện Bản Chát

Thủy điện Bản Chát ở xã Mường Kim (huyện Than Uyên) là một trong hai công trình trong bậc thang thủy điện trên sông Nậm Mu – nhánh cấp 1 của Sông Đà gồm 2 tổ máy, tổng công suất 220 MW; thuỷ điện Bản Chát là công trình đợt đầu của bậc thang thuỷ điện trên sông Nậm Mu thuộc hệ thống sông Đà. Vùng ngập có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều xã trên địa bàn huyện Than Uyên như Mường Kim, Mường Cang, Pha Mu, Mường Mít, Tà Mít và xã Nậm Cần huyện Tân Uyên.

Quy hoạch tuyến vận tải từ đập thủy điện Bản Chát qua các xã: Mường Kim, Mường Cang, Pha Mu, Mường Mít, Tà Mít (huyện Than Uyên) đến bến Nậm Cần (xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên) dài khoảng 92 km.

(d). Vùng hồ thủy điện Huội Quảng

Thủy điện Huội Quảng (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và huyện Mường La, tỉnh Sơn La) có công suất 520MW được xây dựng trên sông Nậm Mu; quy mô lớn thứ tư ở khu vực phía Bắc, sau thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu. Hồ chứa nước nằm trên địa phận xã Mường Kim, Ta Gia và Khoen On thuộc huyện Than Uyên.

Quy hoạch tuyến vận tải từ đập thủy điện Huội Quảng qua các xã: Khoen On, Ta Gia và Mường Kim thuộc huyện Than Uyên (dọc theo Sông Nậm Mu) đến đập thủy điện Bản Chát dài khoảng 30 km.

3.1.2. Quy hoạch hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa

Nhu cầu vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh từ nay đến 2020 mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng khối lượng không lớn, chủ yếu là dân sinh, nhỏ lẻ. Giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch phát triển chủ yếu là các bến hàng, bến khách (trừ cảng chuyên dùng phục vụ nhà máy thủy điện Lai Châu).

Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa theo các khu vực như sau:

a. Vùng hồ thủy điện Sơn La

(1). Bến khách Lê Lợi (dự kiến ở khu vực xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn)

Bến khách Lê Lợi có vị trí rất thuận lợi kết nối giữa giao thông đường thủy nội địa với đường bộ như kết nối với QL12, ĐT 127…, có tiềm năng phát triển thành bến khách có khối lượng thông qua lớn. Bến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương và khách du lịch liên tỉnh Sơn La – Điện Biên – Lê Lợi (Sìn Hồ, Lai Châu); du khách từ các tỉnh có thể xuất phát từ các cảng, bến du  lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La ngược dòng sông Đà đến tham quan Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, thị xã Mường Lay (Điện Biên) và ngược lại.

Về quy mô: diện tích đất 15.000 – 30.000 m2 có phân kỳ đầu tư; cần xây dựng đồng bộ cả về cầu bến, khu dịch vụ như nhà chờ, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp và hướng dẫn du lịch, nhà điều hành, tuyến đường bộ tiếp cận cảng…

Giai đoạn đầu chỉ cần xây dựng 1 bến, tùy theo nhu cầu vận tải và khách tham quan du lịch sẽ mở rộng quy mô lên 3-4 cầu bến.

(2). Bến Chăn Nưa (tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ). Xây dựng bến có chức năng chủ yếu là phục vụ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, kết hợp phục vụ du lịch (vùng hồ khu vực xã Chăn Nưa đẹp và rộng, có vị trí thuận lợi kết nối giao thông thủy với đường bộ như kết nối với QL12, ĐT128. Tuy nhiên, khu vực này không khai thác được quanh năm do mực nước hồ dao động mạnh, nhiều tháng khan cạn không có nước).

(3). Bến Nậm Mạ (tại xã Nậm Mạ): xây dựng bến để phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và kết hợp với du lịch.

(4). Bến Căn Co (dự kiến tại La Hu San, xã Căn Co): Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(5). Bến Nậm Hăn (tại xã Nậm Hăn, trên sông Đà): Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(6). Bến Nậm Tăm (xã Nậm Tăm): Quy mô loại vừa, chủ yếu phục vụ vận chuyển cho nhà máy chế biến mủ cao su và nhu cầu đi lại dân sinh, du lịch.

(7). Bến Nậm Cha (xã Nậm Cha): Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(8). Bến Tủa Sín Chải (xã Tủa Sín Chải, trên Sông Đà): Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh, du lịch.

(9). Cảng chuyên dùng thủy điện Lai Châu (xã Nậm Hằng, huyện Nậm Nhùn). Xây dựng phía hạ lưu đập thủy điện Lai Châu, là cảng hàng hóa chuyên dùng vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng thủy điện Lai Châu. Sau khi thủy điện hoàn thành, đề nghị chuyển thành cảng hàng hóa tổng hợp. Quy mô cảng lớn, có thể vận chuyển được các thiết bị nặng.

b. Vùng hồ thủy điện Lai Châu (huyện Mường Tè và huyện Nậm Nhùn)

(1). Bến Nậm Hàng (phía trên đập Thủy Điện Lai Châu, ở xã Nậm Hàng huyện Nậm Nhùn). Quy mô loại vừa, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và kết hợp với du lịch.

(2). Bến Mường Mô (xã Mường Mô): quy mô loại vừa, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và kết hợp với du lịch.

(3). Bến Kan Hồ (xã Kan Hồ): quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(4). Bến thị trấn huyện Mường Tè: quy mô bến loại vừa, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và kết hợp với du lịch, hàng hóa (còn bến cảng Pô Lếch hiện nay sẽ bị ngập, vị trí cũng không còn thuận lợi nên không xây dựng lại bến này nữa).

(5). Bến Nậm Khao (xã Nậm Khao):  Quy mô loại vừa, chủ yếu phục vụ vận chuyển cho nhà máy chế biến mủ cao su và nhu cầu đi lại dân sinh.

(6). Bến Mường Tè xã (tại xã Mường Tè): Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(7). Bến Pắc Ma: Quy mô loại vừa, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và kết hợp với du lịch.

c. Vùng hồ thủy điện Bản Chát ( huyện Than Uyên, Tân Uyên)

(1). Bến Mường Cang (bản Trại Trâu xã Mường Cang), huyện Than Uyên (gần QL279 cũ bị ngập): Quy mô loại vừa, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và kết hợp sửa chữa, đóng mới phương tiện thuỷ loại nhỏ.

(2). Bến Pha Mu, xã Pha Mu mới, huyện Than Uyên: Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(3). Bến Mường Mít, xã Mường Mít, huyện Than Uyên: Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(4). Bến Bản Hàng, huyện Than Uyên: Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(5). Bến phà Tà Mít, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên: Quy mô bến loại vừa, phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh và vận tải liên xã, liên huyện.

(6). Bến Nậm Cần, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên: Quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

d. Vùng hồ thủy điện Huội Quảng

(1). Bến Bản On,  xã Khoen On, huyện Than Uyên: quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(2). Bến Bản Đốc Mới, xã Khoen On, huyện Than Uyên (gần đập thủy điện Huội Quảng): quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(3). Bến Ta Gia, xã Ta Gia, huyện Than Uyên: quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

(4). Bến Bản Gia Mới, xã Ta Gia, huyện Than Uyên: quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh.

3.2. Giai đoạn 2021-2030

* Về luồng tuyến vận tải

Các luồng tuyến vận tải được lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, phao tiêu biển báo hoàn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.

Quản lý nhà nước chặt chẽ các hoạt động vận tải thủy nội địa trên vùng hồ đảm bảo an toàn.

* Về cảng bến thủy nội địa

Đầu tư nâng cấp mở rộng 2 bến hàng thành 2 cảng hàng hóa có quy mô vừa gồm:

(1). Cảng Chăn Nưa (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ).

(2). Cảng Nậm Tăm (xã Nậm Tăm, huyện  Sìn Hồ)

Tổng hợp quy hoạch cảng, bến thủy tỉnh Lai Châu đến năm 2020

TTTên cảng, bếnVị tríChức năngGhi chú
IVùng hồ thủy điện Sơn La  
1Bến khách Lê LợiXã Lê Lợi, huyện Nậm NhùnBến kháchHồ thủy điện Sơn La
2Bến Chăn NưaXã Chăn Nưa, huyện Sìn HồBến hàng + kháchHồ thủy điện Sơn La
3Bến Nậm MạXã Nậm Mạ, huyện Sìn HồBến hàng + kháchHồ thủy điện Sơn La
4Bến Căn CoLa Hu San, xã Căn Co, huyện Sìn HồBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Sơn La
5Bến Nậm HănXã Nậm Hăn, huyện Sìn HồBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Sơn La
6Bến Nậm TămXã Nậm Tăm, huyện Sìn HồBến phục vụ vận chuyển cho nhà máy cao su và dân sinhHồ thủy điện Sơn La
7Bến Nậm ChaXã Nậm Cha, huyện Sìn HồBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Sơn La
8Bến Tủa Sín ChảiXã Tủa Sín Chải, huyện Sìn HồBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Sơn La
9Cảng chuyên dùng thủy điện Lai ChâuXã Nậm Hàng, huyện Nậm NhùnCảng chuyên dùngHồ thủy điện Sơn La
II Vùng hồ thủy điện Lai Châu  
10Bến Nậm HàngXã Nậm Hàng, huyện Nậm NhùnBến hàng + kháchHồ thủy điện Lai Châu
11Bến Mường MôXã Mường Mô, huyện Nậm NhùnBến hàng + kháchHồ thủy điện Lai Châu
12Bến Kan HồXã Kan Hồ, huyện Mường TèBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Lai Châu
13Bến thị trấn huyện Mường TèThị trấn huyện Mường TèBến hàng + kháchHồ thủy điện Lai Châu
14Bến Nậm KhaoXã Nậm Khao, huyện Mường TèBến phục vụ vận chuyển cho nhà máy cao su và dân sinhHồ thủy điện Lai Châu
15Bến Mường Tè xãXã Mường Tè, huyện Mường TèBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Lai Châu
16Bến Pắc MaHuyện Mường TèBến hàng + kháchHồ thủy điện Lai Châu
IIIVùng hồ thủy điện Bản Chát  
17Bến Mường CangXã Mường Cang, huyện Than UyênBến phục vụ dân sinh + sửa chữa tàu thuyềnHồ thủy điện Bản Chát
18Bến Pha MuXã Pha Mu mới, huyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Bản Chát
19Bến Mường MítXã Mường Mít, huyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Bản Chát
20Bến Bản Hànghuyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Bản Chát
21Bến phà Tà MítXã Tà Mít, huyện Tân UyênBến khách ngang sông (bến phà)Hồ thủy điện Bản Chát
22Bến Nậm CầnXã Nậm Cần, huyện Tân UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Bản Chát
IVVùng hồ thủy điện Huội Quảng  
23Bến Bản OnXã Khoen On, huyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Huội Quảng
24Bến Bản Đốc MớiXã Khoen On, huyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Huội Quảng
25Bến Ta GiaXã Ta Gia, huyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Huội Quảng
26Bến Bản Gia MớiXã Ta Gia, huyện Than UyênBến thủy nội địa phục vụ dân sinhHồ thủy điện Huội Quảng

3.3. Định hướng phát triển phương tiện vận tải thuỷ nội địa

Phương tiện thủy hoạt động trên địa bàn chủ yếu là phương tiện dân sinh nên việc phát triển cần có định hướng kết hợp với các biện pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông thủy nội địa. Đối với các phương tiện hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách công cộng, phương tiện vận tải du lịch cần có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện và người điều khiển phương tiện, cụ thể:

– Đối với phương tiện vận tải hành khách: tuyệt đối đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, phải được quản lý chặt chẽ về chế độ đăng kiểm, đăng ký hoạt động. Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện.

– Đối với phương tiện vận tải du lịch, phải là các phương tiện có gắn động cơ, đảm bảo các điều kiện an toàn, hiện đại. Người điều khiển phải có giấy phép điều khiển phương tiện, khuyến khích phát triển loại phương tiện có sức chở 15 người trở lên.

3.4. Định hướng phát triển các cơ sở sửa chữa, đóng mới

Giao thông đường thủy đang được hình thành và phát triển đồng bộ trên địa bàn, nhu cầu đóng mới, sửa chữa, cải tạo phương tiện tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và hành khách trong tương lai.

Từng  bước hỗ trợ và phát triển công nghiệp đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh. Dự kiến một số cơ sở tại Chăn Nưa, Nậm Nhùn, Mường Mô, Nậm Mạ,…

3.5. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giao thông vận tải đường thủy đến năm 2020 là 92 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư xây dựng cảng, bến là 82 tỷ đồng; vốn thanh thải chướng ngại vật, lắp đặt phao tiêu, biển báo là 10 tỷ đồng (Chi tiết vốn đầu tư xây dựng cảng, bến như Phụ biểu số 01 kèm theo)

4. Các giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện quy hoạch

4.1. Các giải pháp, chính sách quản lý quy hoạch

– Căn cứ vào “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt, cần xây dựng kế hoạch cụ thể quản lý, đầu tư phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo đúng Quy hoạch được duyệt.

– Để khai thác được tiềm năng giao thông đường thuỷ nội địa trên các vùng hồ cần sớm hình thành các tuyến vận tải, xây dựng mới, nâng cấp các bến, cảng; cải tạo, khơi thông luồng lạch, lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, phao tiêu biển báo trên các tuyến.

– Từng bước tăng cường công tác quản lý nhà nước về luồng tuyến, cảng, bến thủy nội địa, phương tiện vận tải. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn hoạt động của phương tiện, cảng và bến thủy nội địa.

4.2. Các giải pháp, chính sách về vốn

– Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách nhằm đa dạng hoá các hình thức đầu tư phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh cần khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

– Đầu tư phương tiện vận tải: chủ yếu do các doanh nghiệp, tư nhân tự đầu tư theo nhu cầu của thị trường và khả năng; tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi để phát triển phương tiện vận tải thủy chất lượng cao.

4.3. Giải pháp, chính sách đảm bảo trật tự, giao thông vận tải đường thủy nội địa

– Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư phát triển và hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải và phương tiện.

– Tăng cường công tác cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa, kiên quyết xử lý những vi phạm về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

4.4. Giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

– Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác giao thông đường thủy nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành vận tải, giảm TNGT và ô nhiễm môi trường.

– Cần nghiên cứu, thiết kế hệ thống báo hiệu đường thủy phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các vùng hồ trên địa bàn tỉnh (mực nước dao động lớn,…).

4.5. Giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực

– Thường xuyên thanh tra, kiểm tra chứng chỉ, bằng cấp của thủy thủ, thuyền viên để có hình thức đào tạo và đào tạo lại, ngăn chặn trực tiếp các trường hợp không có bằng lái tàu vẫn hành nghề để tránh tai nạn.

– Cần tập trung đào tạo, thu hút cán bộ có trình độ, kinh nghiệm về quản lý GTVT đường thủy nội địa. Xem xét thành lập mới hoặc giao nhiệm vụ bổ sung cho các cơ sở dạy nghề hiện có được đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

– Căn cứ “Quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030” được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải cùng các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm cụ thể hóa thành nhiệm vụ phát triển giao thông vận tải 5 năm và hàng năm để tổ chức thực hiện.

– Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì cùng các đơn vị liên quan tổ chức công bố Quy hoạch cho các đơn vị, cá nhân liên quan biết để thực hiện, đồng thời gửi lưu trữ hồ sơ Quy hoạch được duyệt theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố  chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

Nguyễn Khắc Chử

Share: